Tour du lịch tâm linh của sycamorecapitalandbinhduong.com.vn hôm nay sẽ giới thiệu tới bạn một ngôi chùa rất nổi tiếng nằm ngay trung tâm TP THủ Dầu Một. Chùa Hội Khánh – Một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao, được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận là tượng Phật nằm trên mái dài nhất Châu Á, đồng thời cũng dài nhất Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi khám phá nhé!
Xem thêm:
Lịch sử của chùa Hội Khánh ở Bình Dương
Cũng giống với chùa Tây Tạng, chùa Hội Khánh tọa lạc tại trung tâm TP THủ Dầu Một với địa chỉ nằm ở số 29 đường Khánh Hội phường Phú Cường. Ngôi chùa này được xây dựng vào thế kỷ XVIII (năm 1741). Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Tên gọi đầu tiên của chùa là Tổ đình Hội Khánh do Đại Ngạn Thiền sư (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Một thời gian sau, tín đồ đến với Thiền sư ngày càng đông, từ chiếc am lợp tranh bé nhỏ thuở ban đầu, ngôi Tổ đình Hội Khánh được dựng lên. Ở thời điểm đó, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rậm và nhiều thú dữ. Tuy dân cư thưa thớt nhưng rất được dân chúng tôn sùng. Ngày 09/09 năm Nhâm Thân (1812) Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn viên tịch.
Thuở đầu, chùa Hội Khánh được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng vào năm 1861 giặc Pháp đánh chiếm Nam bộ, ngôi chùa bị thiêu thủy hoàn toàn. Năm Mậu Thìn (1868), Hòa thượng Thích Chánh Đắc (Toàn Thánh) trùng tu lại nhưng không dựng trên nền chùa cũ mà cho xây lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100m. Năm 1883, Hòa thượng Thích Trí Tập (Chương Đắc) tổ chức đúc Đại Hồng Chung. Năm 1885, Hòa thượng Thích Thiện Quới (Ấn Long) tổ chức khắc bản in kinh gồm kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Kim Cang… Về sau, các bộ kinh được trùng khắc vào năm 1930 do Hoà thượng Thích Từ Văn (Chơn Thinh) chủ trì.
Năm 1908, Hòa thượng Thích Từ Văn cho xây dựng lại cổng Tam Quan. Năm 1917, nơi tụng kinh và gian phía Đông của chùa được xây dựng lại và gian phía Tây được xây lại vào năm 1984. Chính điện được xây lại năm 1990 và 1991. Tuy được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng chùa Hội Khánh vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm cổ kính.
Trong suốt 250 năm kể từ ngày thành lập, chùa đã trải qua 10 vị sư trụ trì, 9 vị đã viên tịch và được an táng, lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Các vị trụ trì viên tịch gồm có:
- Thích Đại Ngạn – Từ Tấn (1741 – 1788).
- Thích Chân Kính – Minh Huệ (1788 – 1815).
- Thích Chánh Đắc – Toàn Tánh (1815 – 1869).
- Thích Trí Tập – Chương Đắc (1869 – 1884).
- Thích Thiện Quới – Ấn Long (1884 – 1906).
- Thích Từ Văn – Chơn Thinh (1906 – 1931).
- Thích Ấn Bửu – Thiện Quới (1931 – 1941).
- Thích Thiện Hương – Thị Huệ (1941 – 1971).
- Thích Quảng Viên – Đồng Bửu (1971 – 1988.
Đương nhiệm trụ trì là Hòa thượng Thích Huệ Thông – Nhật Minh, hiện là Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tại tỉnh Bình Dương hiện nay.
Kiến trúc thiết kế bên trong của chùa
Theo như Sycamore Bình Dương tìm hiểu, chùa Hội Khánh có cấu trúc theo kiểu “nội đinh ngoại quốc”, theo mô hình chữ đinh (丁), nét ngang là Tiền đường, nét sổ dọc có Chính điện và Giảng đường. Kết cấu khung của Tiền đường, Chính điện và Giảng đường đều không tuân theo kết cấu tứ trụ vuông vức và phát triển không gian đều ra 4 phía khá phổ biến ở nhiều đình, chùa, miếu, võ ở Nam Kỳ. Trái lại, chùa có kết cấu của nhà rường (còn gọi là nhà xiêng trính) của kiến trúc dân dụng thông thường. Chính điện và Giảng đường được bố trí theo kiểu “sấp đội”, nối liền với nhau theo thức “trùng thềm điệp ốc”. Ở Đàng Trong thời bấy giờ, đây là một dạng thức kiến trúc phổ biến.
Căn Tiền đường có 5 gian, 2 chái, lòng căn hẹp, hai bên đặt tượng thờ Tiêu diện và Hộ pháp. Còn chính điện được thiết kế gồm 2 căn, mỗi căn có 3 gian, 2 chái. Căn nhà gỗ thứ hai lớn hơn. Gian giữa nửa ngoài là Thiên Hương – nơi dùng để đốt hương, gõ mõ, tụng kinh của các sư khi làm lễ; nửa phía trong là Thượng Điện. Trong Thượng điện có nhiều tượng Phật được đặt trên tòa Tam Bảo. Tượng lớn nhất là Phật Tổ ở chính giữa điện, gian ở bên trái của chính điện thờ 18 vị La Hán, còn bên phải thờ 8 vị Phật “Ngũ hiền”.
Giảng đường là căn nhà gỗ lớn 5 gian, 2 chái. Trong căn nhà có đặt bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bài vị của các vị sư trụ trì chùa đã viên tịch.
Hai bên hành lang chùa Hội Khánh Bình Dương được dùng làm nơi nghỉ chân của khách thập phương và địa điểm chuẩn bị cỗ chay trong các ngày lễ hội. Dãy nhà tăng (tăng xá) là nơi sinh hoạt của các nhà sư tu học.
Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam bộ, tất cả đều được chạm trổ rất tinh vi với những đề tài quen thuộc như tứ linh, cửu long, hoa phù dung, thập bát la hán, dây nho, lá lấp…
Khuôn viên của chùa có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn). Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch.
Chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh khắc năm 1885, đây được xem là bộ mộc bản có niên đại sớm nhất ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được một số bộ kinh Phật như: kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn…
Chùa Hội Khánh là di tích lịch sử – văn hóa của quốc gia, gắn liền với quá trình khai phá khu vực Bình Dương của người Việt trong lịch sử. Đây còn là nơi hoạt động của Hội Danh dự trong khoảng những năm 1923 – 1926, mà cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thành viên sáng lập.